Hội thảo được giao cho Khoa Giới và phát triển kết hợp với Viện Công nghệ thông tin thực hiện với mong muốn nâng cao nhận thức về an toàn trong không gian mạng, bình đẳng giới trong kỷ nguyên số, góp phần giảm thiểu rủi ro, những hiểm họa tiềm ẩn trong bối cảnh công nghệ số. Hội thảo là diễn đàn để để các nhà khoa học, các học giả, sinh viên và những người quan tâm trao đổi, chia sẻ quan điểm của mình về an toàn, bình đẳng trên không gian mạng, cũng như tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề còn tồn tại trên thực tế.

Hội thảo cũng là sự kiện quan trọng kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam (2012-2022), và hơn 60 năm truyền thống vẻ vang của Học viện.

Tham dự hội thảo về phía đại biểu khách mời có bà Trần Hồng Hạnh, Điều phối viên Dự án, Viện FES (Friedrich-Ebert-Stiftung), CHLB Đức tại Việt Nam; Các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam các viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có sự tham dự của TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, Trưởng khoa Giới và phát triển với vai trò chủ trì hội thảo cùng các lãnh đạo đại diện các đơn vị và giảng viên và hơn 100 sinh viên của Học viện.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS.Dương Kim Anh khẳng định: Với triết lý giáo dục “Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng” Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy an toàn, bình đẳng cho con người, trong đó có an toàn, bình đẳng trong không gian mạng. Học viện may mắn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của viện FES trong nhiều hoạt động ý nghĩa suốt 5 năm qua, trong đó có các hoạt động tọa đàm khoa học, hội thảo khoa học, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững thông qua việc tạo các diễn đàn chia sẻ tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các vấn đề quan trọng cần quan tâm trong xã hội. Trước bối cảnh chuyển đổi nhanh, mạnh của công nghệ số với nhiều thời cơ và thách thức lớn trên bình diện quốc gia và quốc tế thì đảm bảo an toàn trong không gian mạng chính là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy đảm bảo quyền con người, nhân phẩm con người. Hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận và trao đổi nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học để cùng lan tỏa thêm tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Thay mặt Viện FES, bà Trần Hồng Hạnh chia sẻ: Viện FES hoạt động dựa trên nguyên tắc thúc đẩy công bằng xã hội và sự tham gia vào chính trị.  Thông qua các hoạt động của mình, Viện mong muốn góp phần thúc đẩy hoà bình và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới và trong nội bộ các nước đối tác; hỗ trợ quá trình dân chủ hoá nhà nước và xã hội và tăng cường xã hội dân sự; cải thiện các điều kiện chung về chính trị, kinh tế và xã hội; hỗ trợ các công đoàn tự do; phát triển các cấu trúc truyền thông độc lập; tạo thuận lợi cho việc hợp tác khu vực và quốc tế giữa các quốc gia và các nhóm lợi ích khác nhau và; làm cho các quyền con người được thừa nhận. Phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam trong nhiều hoạt động ý nghĩa, viện FES tin tưởng rằng hội thảo khoa học quốc gia: An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” sẽ đạt được những kết quả như mong muốn đóng góp vào việc xây dựng đề xuất, kiến nghị chính sách liên quan đến vấn đề an toàn, bình đẳng trên không gian mạng trong thời đại bùng nổ công nghệ số hiện nay.

Tại hai phiên của hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung chia sẻ các nội dung liên quan đến bốn chủ đề chính là:

Thứ nhất, các vấn đề luật pháp, chính sách về không gian mạng.

Thứ hai, vấn đề an toàn trên không gian mạng.

Thứ ba, vấn đề giới trên không gian mạng.

Thứ tư, các giải pháp đảm bảo an toàn trên không gian mạng.

Hội thảo khoa học quốc gia “An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” đã chọn lọc từ hơn 50 bài viết sau quá trình phản biện độc lập, 34 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Tại hội thảo, 6 tham luận được lựa chọn để các tác giả trình bày kết quả nghiên cứu về những nội dung: Ảnh hưởng của văn hóa đến việc tiếp nhận tin giả trong giới trẻ ở Việt Nam-Thực trạng và giải pháp phòng chống – PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Đại học Ngoại Thương Hà Nội; Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng – pháp luật quốc tế và những vấn đề đặt ra cho việc áp dụng ở Việt Nam – Ông Vũ Ngọc Bình, cố vấn cao cấp Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nhận diện rủi ro và đề xuất giải pháp hỗ trợ phụ nữ thực hành an toàn trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay – TS. Lê Hồng Việt, TS. Dương Kim Anh, Học viện PNVN; Thanh thiếu niên và các vấn đề nguy cơ trên không gian mạng – TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thanh thiếu niên; Các biểu hiện và giải pháp phòng, chống vi phạm quyền con người của phụ nữ và trẻ em trong không gian mạng ở Việt Nam – PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Quản lý thiết bị di động đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng –  Nhóm tác giả: NCS. ThS Đỗ Thị Thanh Vân, Th.S. Nguyễn Chiến Thắng, Học viện PNVN, TS. Đỗ Thị Lan Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Các vấn đề được trình bày tại hội thảo nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu và sinh viên tham dự. Bên cạnh các tham luận được trình bày tại hội thảo còn có các ý kiến chia sẻ từ các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nhằm làm rõ hơn chủ đề của hội thảo và đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ người dùng, đẩy lùi, xóa bỏ những nguy cơ, hành động, điều kiện dẫn đến tổn hại về thể chất, tâm lý hoặc vật chất được để giữ gìn sức khỏe và trạng thái hạnh phúc cho mỗi con người khi tham gia các hoạt động trong không gian mạng.

Kết thúc buổi hội thảo, thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, TS.Dương Kim Anh đã tóm tắt nội dung các bài tham luận, các ý kiến đóng góp và đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu về tham dự Hội thảo. Hội thảo đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo sự an toàn, bình đẳng của mọi cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, hội thảo cũng mang một giá trị đặc biệt, là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động của Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.