Học viện Phụ nữ Việt nam tổ chức hội đồng thẩm định ngành Kinh tế số

Hội đồng thẩm định được tổ chức theo quy định hiện hành của Bộ giáo dục và Đào tạo do PGS.TS Trần Quang Tiến – Học viện Phụ nữ Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa QTKD, Đại học Ngoại thương là Phản biện 1; PGS.TS Trần Văn Hoè – Trưởng bộ môn, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Đại học Thủy Lợi là phản biện 2; TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Trưởng Bộ môn Tin học Kinh tế, Viện CNTT và Kinh tế số, Đại học Kinh tế quốc dân là Ủy viên, thư ký; TS. Trần Việt Anh – Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư SCC là Ủy viên.

Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngoài Các thành viên Tổ soạn thảo Đề án mở ngành còn có sự tham gia của: Đại diện Ban giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; Lãnh đạo các Phòng Đào tạo; Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng; Phòng Tổ chức Hành chính; Viện Công nghệ thông tin, Thư viện, Khoa Quản trị kinh doanh; Phòng Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học

Phát biểu khai mạc hội đồng, PGS.TS Trần Quang Tiến đã khẳng định mục tiêu mở ngành đại học Kinh tế số là một trong những mục tiêu chiến lược của Học viện trong giai đoạn hiện nay. Trong thời đại bùng nổ công nghệ và sự phát triển không ngừng của các nguồn lực kinh tế, với kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành kinh tế ứng dụng công nghệ, nếu được thẩm định và cấp phép mở ngành, ngành Kinh tế số của Học viện Phụ nữ Việt Nam hi vọng sẽ đóng góp những giá trị khoa học, thực tiễn cho công đồng xã hội.

Đại diện tổ soạn thảo Đề án mở ngành, TS. Lê Văn Sơn đã báo cáo về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trình độ Đại học ngành Kinh tế số với các nội dung: căn cứ xây dựng chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, cấu trúc chương trình, nội dung chương trình, đề cương các học phần.

Các thành viên hội đồng đã nêu nhận xét, góp ý và đánh giá đề án mở ngành Kinh tế số do Học viện Phụ nữ Việt Nam xây dựng bằng tinh thần làm viêc khoa học nghiêm túc.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đảm bảo được tính khoa học, hợp lý và thể hiện tính ứng dụng rất cao. Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng nêu những góp ý, gợi ý với ban soạn thảo những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại diện Hội đồng thẩm định, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Chủ tịch hội đồng Chủ tịch hội đồng công bố kết luận của Hội đồng với các nội dung chính:

Chuẩn đầu ra Chương trình đào tạo trình độ Đại học ngành Kinh tế số của Học viện Phụ nữ Việt Nam được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình; đáp ứng yêu cầu của chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo quy định hiện hành;

Chương trình đào tạo trình độ đại học  ngành Kinh tế số của Học viện Phụ nữ Việt Nam đáp ứng các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành.

Đề nghị một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện hồ sơ mở ngành đào tạo (đề án mở ngành, chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thực tế), cụ thể:

Bổ sung tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo của các đề cương

Danh sách đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho các học phần.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo chương trình đại học ngành Kinh tế số.

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Kinh tế số có sự quan tâm và đầu tư rất lớn từ trường Học viện Phụ nữ Việt Nam, trải qua quá trình nghiên cứu, xây dựng và thẩm định nghiêm túc, hứa hẹn sẽ trở thành sự lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn dành cho các bạn học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa đại học trong tương lai.