Hành trình về nguồn của Đảng Bộ Học Viện Phụ Nữ Việt Nam

Hành trình về nguồn bắt đầu với điểm dừng chân đầu tiên tại Nhà tù Sơn La, một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi từng giam giữ nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi bật là anh hùng Tô Hiệu.

Qua lời kể của thuyết minh cùng những bức ảnh tư liệu gắn trên tường đá rêu phong của nhà tù, những hiện vật trưng bày tại nơi đây, đoàn hình dung ra toàn cảnh “địa ngục trần gian” mà thực dân Pháp đã tạo nên gồm các hạng mục: Cổng chính và tường rào bao quanh; hệ thống chòi canh gác; hệ thống phòng phạt giam ở cả trên và dưới lòng đất; khu sân chung nhà tù… Tuy nhiên, cũng chính tại nơi này, trong gian khổ, đọa đày những “hạt giống đỏ” đầu tiên của phong trào cách mạng tại Việt Nam đã được ươm mầm, tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng… Đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào cách mạng tại Nhà tù Sơn La. Nơi đây vẫn còn đó hình ảnh người chiến sĩ kiên trung vượt lên trên đói, rét, bệnh tật, đòn roi dã man của kẻ thù giữ trong mình tinh thần lạc quan cách mạng miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên. Cũng trong những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim để hôm nay, cây đào Tô Hiệu trở thành một điểm sáng niềm tin khi nhắc về sức sống mãnh liệt của phong trào cách mạng nơi nhà tù Sơn La.

Mỗi thành viên của đoàn khi đến nơi đây đều muốn được lắng lại từng mạch cảm xúc khi ngắm nhìn lại từng chỗ ngồi, từng song cửa sắt, từng vách tường ngăn cách chật hẹp giữa các phòng giam…để một lần nữa thấu hiểu hơn những gian lao, vất vả, đớn đau mà các chiến sĩ kiên trung, bất khuất đã vượt qua bằng ý chí mãnh liệt, niềm tin son sắt về thời khắc độc lập của dân tộc.

Tạm biệt Sơn La, đoàn hành trình lên Điện Biên vượt qua đèo Pha Đin nơi có biết bao chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ để đến với mảnh đất anh hùng làm nên chiến thắng lẫy lừng, vang dội khắp năm châu, bốn bể.

Điểm dừng chân đầu tiên khi đến với Điện Biên là căn cứ địa cách mạng Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Cơ quan đầu não của Quân đội ta đã làm việc tại đây từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đảng viên được tham quan các công trình như hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hệ thống giao thông hào và các công trình phụ trợ khác. Những câu chuyện về sự quyết tâm và tài thao lược của Đại tướng và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy đã khiến đoàn thêm khâm phục và tự hào về sự lãnh đạo tài tình của Đảng và quân đội ta.

Tiếp tục hành trình, đoàn đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn hiện vật, tài liệu quý giá về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đảng viên được nghe thuyết trình về diễn biến chiến dịch, xem những hiện vật như súng đạn, trang phục, vật dụng sinh hoạt của bộ đội ta trong những ngày chiến đấu cam go. Bảo tàng còn trưng bày những bức ảnh và phim tư liệu sống động, giúp các đảng viên hiểu rõ hơn về sự khó khăn, gian khổ mà quân và dân ta đã trải qua để giành được chiến thắng lịch sử.

Đặc biệt, đoàn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo là bức tranh panorama tái hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” một cách chân thực, sống động và hùng tráng thông qua ngôn ngữ hội họa.

Với sự lao động, sáng tạo của tập thể Họa sỹ, Kiến trúc sư, Điêu khắc, Nhạc sỹ, chuyên gia kỹ thuật… thực hiện trong 2 năm 6 tháng, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh tròn duy nhất tại Việt Nam hiện nay có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được coi là một trong ba bức tranh đề tài chiến tranh lớn nhất trên thế giới. Bức tranh không chỉ đẹp vẻ quy mô, hoành tráng mà còn mang nét đẹp hùng tráng, bất khuất của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Lưu lại nơi đây những dòng cảm nhận đầy trân trọng, đồng chí Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy Học viện Phụ nữ Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với lớp lớp thế hệ cha ông đã chiến đấu không tiếc thân mình để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Tạm biệt bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn sang thăm di tích đồi A1 để hình dung rõ hơn về chuỗi hành trình “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”.

Đây là nơi chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, kia là nơi chiến sĩ băng mình qua núi thép gai, chiến hào này chiến sĩ ấy đã 3 ngày đêm ôm pháo không ăn ngủ, nát thân, mắt nhắm còn ôm, nơi dốc kia chiến sĩ đã chèn lưng cứu pháo chẳng tiếc thanh xuân phơi phới ngày mai… Và từ đó, biết bao chiến công được dựng lên từ máu xương anh dũng, từ tinh thần quật cường chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiêu diệt cứ điểm đồi A1 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động, diệt 825 lính Pháp, nhưng đổi lại, hơn 2.500 chiến sĩ của dân tộc anh hùng đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Hiện nay, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên mới chỉ quy tập được 645 phần mộ của các chiến sĩ, còn vô cùng nhiều sự hi sinh, mất mát đang nằm lại nơi này. Máu xương của các anh đã thấm đẫm, quyện hòa vào từng tấc đất, từng mét chiến hào để hôm nay, A1 xanh màu hòa bình và trở thành huyền thoại của dân tộc.

Đồi A1 – “chìa khóa’’ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị phá vỡ, giải phóng được cứ điểm này, tạo bàn đạp cho quân ta tấn công sang hầm De Castries, bắt sống Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đoàn cũng đã ghé thăm hầm chỉ huy của tướng De Castries nghe giới thiệu về từng vị trí làm việc, sinh hoạt và cùng đắm mình trong niềm hân hoan ở thời khắc lịch sử được tái hiện lại: 17h30 ngày 7/5/1954, đồng chí Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.

Điểm đến tiếp theo của đoàn là Nghĩa Trang Liệt Sỹ Điện Biên.

Bước vào khuôn viên của nghĩa trang Liệt Sỹ Điện Biên nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét, dường như mọi thành viên của đoàn đều gắng nhẹ bước chân, tiếng nói để giữ yên giấc ngủ ngàn năm cho những chiến sĩ anh hùng. Đây là nơi an nghỉ của 645 Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số đó chỉ có 53 phần mộ có tên tuổi, còn lại là những ngôi sao lặng lẽ cháy hết mình cho chiến dịch năm xưa và hòa bình hôm nay. Đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã dành trọn cả thanh xuân cho Tổ quốc, các chiến sỹ sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Điểm đến cuối cùng của hành trình về nguồn là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm uy nghi, sừng sững trên đồi D1 – ngọn đồi cao nhất thành phố Điện Biên Phủ.

Nốt nhạc cuối trong bản hành trình tri ân quá khứ của đoàn vút cao trên bầu trời tự do xanh trong vời vợi. Mỗi thành viên của đoàn đều cảm thấy xúc động, bồi hồi khi có mặt nơi đây, điểm đến của chiến thắng và hòa bình. Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 3 chiến sĩ đứng quay lưng vào nhau, một em bé dân tộc Thái, một bó hoa và một lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng. Trong đó, chiến sĩ phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa (hình mẫu là chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Tướng De Castries) , khi sáng tác, tác giả liên tưởng đến, một chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa tượng trưng cho những văn nghệ sĩ Quân đội ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách. Em bé dân tộc Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc giàu đẹp. Chiến sĩ thứ ba trong cụm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam.

Chuyến tham quan các di tích lịch sử tại Sơn La và Điện Biên của Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam đã khép lại, nhưng những ấn tượng và cảm xúc về hành trình vẫn còn đọng lại mãi trong lòng mỗi đảng viên. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, mà còn là cơ hội để mỗi đảng viên thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm rèn luyện, phấn đấu để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Những câu chuyện lịch sử càng làm mỗi chúng ta thêm tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc “từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”, biết ơn vô cùng sự hi sinh của lớp lớp anh hùng dân tộc và trân trọng hơn những tháng ngày hòa bình được đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ ông cha.