Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan trung ương Hội LHPN Việt Nam; PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết – Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện các Ban thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu từ các Bộ, Ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã khẳng định vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Đồng thời đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và thảo luận về công tác phụ nữ trong nhiệm kỳ mới. Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạt động thực tiễn và những đại biểu quan tâm đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu. Kỷ yếu hội thảo sẽ trở thành nguồn tài liệu quý giá, góp phần bổ sung căn cứ lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng nội dung văn kiện Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ tiếp theo.
PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam trong bài phát biểu đề dẫn cho biết: Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội đồng khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác phụ nữ và Hoạt động Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027: Cơ hội và thách thức” nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia và lãnh đạo trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất và cập nhật các thách thức cũng như cơ hội mà công tác phụ nữ hiện nay đang phải đối mặt. PGS.TS. Trần Quang Tiến mong muốn, hội thảo sẽ đạt được các mục tiêu đề ra bao gồm: (1) hệ thống hóa các vấn đề lý luận, lý thuyết về công tác phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ; (2) tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ; (3) định hướng đổi mới nội dung, phương thức công tác phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam trong bối cảnh mới thúc đẩy công tác phụ nữ, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đồng chí Trần Quang Tiến cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức định kỳ hội thảo khoa học về Công tác phụ nữ vì mục tiêu cập nhật, phát triển đầy đủ cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ trong bối cảnh mới.
Tại phiên 1, các đại biểu đã tập trung trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phụ nữ trong bối cảnh hiện nay.
Mở đầu hội thảo là phần trình bày của PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện – Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học Việt Nam – Phó viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã nêu rõ tình hình phụ nữ Việt Nam và đặc biệt là các vấn đề về bình đẳng giới. PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện nhấn mạnh rằng, mặc dù phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực, nhưng họ vẫn đang đối mặt với những rào cản và thách thức lớn, đặc biệt là trong việc tham gia các vị trí lãnh đạo.
Tiếp nối chương trình hội thảo, NCS. Trương Trần Hoàng Phúc và PGS.TS. Trần Xuân Bình đã trình bày về lý luận giới trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và những vấn đề đang đặt ra cho sự nghiệp bình đẳng giới tại Việt Nam. Những nghiên cứu này giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan hơn về sự phát triển của công tác phụ nữ trong bối cảnh chính trị – xã hội phức tạp hiện nay.
Bài trình bày PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương về cơ hội và thách thức cho phụ nữ trong thời đại chuyển đổi số cũng tạo điểm nhấn tại hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương đã phân tích sâu sắc những cơ hội mà công nghệ số mang lại cho phụ nữ, từ việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đến việc mở rộng cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cũng chỉ ra rằng, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phụ nữ dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số này.
Buổi hội thảo tiếp tục với phiên thảo luận thứ hai, tập trung vào việc đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Trong phần trình bày của mình, NCS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Phùng Thị Quỳnh Trang đã đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động phụ nữ của Hội. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vấn đề cải tiến cách tiếp cận thông tin để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo phụ nữ trên toàn quốc trong bối cảnh truyền thông số hóa ngày càng phát triển.
Tiếp theo đó, TS. Đàm Thị Vân Thoa – Trưởng Ban Chính sách Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam đã trình bày về hoạt động phản biện xã hội và đề xuất các giải pháp hoàn thiện. TS. Đàm Thị Vân Thoa đã đưa ra những vấn đề cần được chú trọng như cải thiện khả năng nắm bắt dư luận xã hội, nâng cao năng lực phản biện của Hội LHPN Việt Nam và đảm bảo chính sách, luật pháp liên quan đến phụ nữ luôn được xây dựng dựa trên những phân tích, đánh giá khoa học.
Đỗ Thị Thanh Hà – Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng trình bày tham luận với chủ đề: Bối cảnh hiện nay và khuyến nghị cho công tác nắm bắt dư luận xã hội trong tình hình mới đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tham luận cũng nêu rõ những cơ hội và thách thức đối với Hội LHPN Việt Nam đặc biệt là giải pháp triển khai cách thức nắm bắt dư luận xã hội một cách hiệu quả.
Tham luận cuối cùng của hội thảo đại diện Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Thị Như Quỳnh – Cán bộ Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội tại địa phương. Các thách thức mà đồng chí Nguyễn Thị Như Quỳnh nêu ra, từ việc thiếu hụt nguồn lực cho đến khó khăn trong công tác tổ chức, đã mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các đại biểu nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi cho công tác Hội trong giai đoạn tiếp theo.
Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự tiếp tục chia sẻ nhiều ý kiến trao đổi, đặc biệt nhấn mạnh đến những vấn đề đặt ra đối với hoạt động Hội trong bối cảnh mới hiện nay. Hội thảo cũng đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp có giá trị trong tham mưu đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy việc hoàn thiện thành công Nghị quyết Đại hội phụ nữ lần thứ XIII.
Kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tổng kết những nội dung quan trọng đã được thảo luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Bà cũng kêu gọi các đại biểu tiếp tục đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra, nhằm đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển cho phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với các chương trình giáo dục và phát triển kỹ năng phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông, tuyên truyền và tổ chức hoạt động, nhằm tăng cường khả năng kết nối và huy động sự tham gia của phụ nữ trên khắp cả nước. Việc sử dụng các nền tảng số sẽ giúp Hội tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, từ đó nâng cao hiệu quả của các phong trào và hoạt động; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện công tác phụ nữ. Việc xây dựng các mối quan hệ đối tác bền vững không chỉ giúp Hội có thêm nguồn lực và kiến thức, mà còn là cơ hội để phụ nữ Việt Nam vươn ra thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu.
Hội thảo đã khép lại thành công với nhiều tín hiệu tích cực sau quá trình nghiên cứu, thảo luận và đề xuất các giải pháp cho công tác phụ nữ trong nhiệm kỳ 2022-2027. Đây là bước đệm cần thiết để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đưa phong trào phụ nữ Việt Nam lên tầm cao mới, thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ của xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Phòng Truyền thông VWA