Công tác xã hội trong trường học ngày nay đang được phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức,…Các nước đã có những ứng dụng lý thuyết vào thực tế và đã xây dựng những mô hình hỗ trợ người học, người dạy trong môi trường giáo dục. Công tác xã hội trường học với vai trò cải thiện môi trường học đường, kết nối giữa nhà trường – gia đình và xã hội đã có những ảnh hưởng và tác dụng nhất định. Bạo lực học đường là một thuật ngữ chỉ những hành vi bạo lực diễn ra trong môi trường học đường, là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính miệt thị, đe dọa, khủng bố người khác, để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí dẫn đến từ vong, đặc biệt là gây tổn thương đến tư tưởng, tình cảm, tạo cú sốc tinh thần cho những đổi tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục trong nhà trường, cũng như đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa học sinh với giáo viên hoặc cán bộ công nhân viên trong nhà trường, thậm chí là giữa cán bộ, giáo viên trong nhà trường với nhau.(*)
Hành vi bạo lực học đường “được thể hiện với nhiều đặc trưng như đa dạng hóa, nghiêm trọng hóa, trào lưu hóa, trẻ tuổi hóa và tổ chức hóa. Hành vi bạo lực học đường ở nước ta thường được diễn ra giữa các đối tượng bên ngoài trường học với học sinh trong nhà trường, giữa giáo viên và học sinh và giữa học sinh trong nhà trường với nhau. Bạo lực học đường là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân xuất phát từ bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Công tác xã hội trường học là hoạt động không thể thiếu, tham gia tích cực vào cơ chế phòng ngừa và ứng phó với hành vi bạo lực học đường, góp phần thiết thực trong việc xây dựng “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” .
————
(*) Nguyễn Thị Bích Liên (2014)