Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hàng đầu dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã xảy ra rất nhiều hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt, với 13 cơn bão trên biển Đông, 264 trận dông lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành; 120 trận lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, là đợt mưa lớn lịch sử từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 tại khu vực trung bộ làm thiệt hại nghiêm trọng đến nhân dân vùng lũ.
Cho rằng, phụ nữ dễ bị tổn thương đồng thời bị giảm năng lực thích ứng, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương viện dẫn: Cơ quan của liên hợp quốc về phụ nữ, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm đân cư nghèo khó, mà ở đó phụ nữ chiếm đến 70%.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực và trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, mà lĩnh vực này có tới 65% là phụ nữ và họ chủ yếu trập trung và canh tác quy mô nhỏ, tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Tuy nhiên, trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phụ nữ và nam giới có vai trò thế mạnh riêng. Họ cũng có nhu cầu, những mối quan tâm và khả năng riêng. Không thể xem phụ nữ chỉ là nhóm đối tượng phụ hoặc thụ động, phải thừa nhận rằng, những đóng góp của họ là đáng kể trong việc xây dựng khả năng ứng phó giảm nhẹ rủi ro, phục hồi sau thảm hoạ cùng với nam giới.
Chính vì thế, cần có các cách tiếp cận khác nhau để tất cả các cá nhân phát triển dựa trên tiềm năng, khát vọng và mối quan tâm của họ. Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng.
“Là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng phụ nữ lại có thế mạnh riêng trong thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Những việc nhỏ trong mỗi gia đình sẽ góp phần lớn trong giảm phát thải, sử dụng hợp lý tài nguyên học trong nước, quốc tế có thể tham gia và chia sẻ kết quả nghiên cứu” – Phó Chủ tịch Trần Thị Hương nói.
Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, hầu hết các nghiên cứu có liên quan cũng như kết luận từ các Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an ninh, môi trường đều thừa nhận, biến đổi khí hậu gây ra những rủi ro an ninh đáng kể, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2020 cho biết, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương, có thể cao gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên.
Đa số các nghiên cứu khác cũng cho thấy nữ giới có cảm nhận với rủi ro thiên tai thấp hơn nam giới và họ thường bị động hơn trong ứng phó với chúng. Một đặc điểm quan trọng là, các mô hình sinh kế của phụ nữ thường gắn với tự nhiên và chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết.
Vì vậy, sinh kế của nhiều phụ nữ đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Phụ nữ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa do họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ, cho dù họ lại đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự hồi phục, phát triển của gia đình và cộng đồng sau những thiệt hại bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS. Trần Quang Tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình phức tạp, đa chiều và nhiều cấp độ. Một số nghiên cứu đã cố gắng phát triển một khuôn khổ mới về sự thích ứng với tự nhiên; trong đó, có những mô hình nghiên cứu tổng hợp, đánh giá rõ ràng, kết hợp khá đầy đủ những thành tố phản ánh các tương tác quan trọng về giới và biến đổi khí hậu. Cho dù như vậy, mối quan hệ giữa giới và biến đổi khí hậu vẫn là một chủ đề khoa học cần được quan tâm nghiên cứu, tổng kết và đưa ra các thực hành tốt để có thể áp dụng trong thực tiễn, góp phần vào phát triển bền vững và bình đẳng giới.