Mục đích của Cuộc thi hùng biện nhằm: (1) Lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về các sản phẩm truyền thông; (2) Nâng cao nhận thức và cách tiếp cận của sinh viên tới vấn đề bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.
Cuộc thi đã tổ chức trình chiếu, quảng bá 02 phim ngắn, là sản phẩm truyền thông của Dự án tới hơn 100 sinh viên thuộc các khoa: Giới và Phát triển, Quản trị kinh doanh (sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) và Truyền thông đa phương tiện. Đó là các phim:
(1) Lênh đênh (vấn đề di cư của phụ nữ)
(2) Chuyện của Chía (vấn đề tảo hôn)
Năm đội sinh viên tham gia thi hùng biện đã thể hiện được các nội dung sau: (1) Cảm nhận về 02 bộ phim (yếu tố nội dung/thông điệp chính của bộ phim, yếu tố cảm xúc); (2) Ấn tượng đặc biệt sau khi xem phim ; (3) Sự sáng tạo và cách thể hiện mới của bộ phim; (4) Những góp ý đề cải thiện cho bộ phim; (5) Áp dụng, sử dụng bộ phim trong học tập ở đại học và công việc sau này.
Ngoài phần nội dung thể hiện rõ quan điểm, có minh chứng thuyết phục bảo vệ cho quan điểm của mình, các thí sinh đã thể hiện cấu trúc bài hùng biện rõ ràng, dễ nhận diện, ý tưởng được phát triển theo trình tự logic; ngôn ngữ phù hợp, trong sáng, dễ hiểu; có sự giao tiếp bằng mắt với khán giả trong suốt thời gian thuyết trình, đảm bảo giữ cho khán giả lắng nghe và ủng hộ; giữ cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể phù hợp để thuyết phục khán giả; thời lượng bài thuyết trình đúng yêu cầu theo thể lệ; âm lượng và tốc độ phù hợp.
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức mở, thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cuộc thi cũng tạo cơ hội để các thành viên Nhóm truyền thông nòng cốt chia sẻ, trao đổi ý tưởng làm phim cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình quay phim, tiếp cận nhân vật, trò chuyện để nhân vật kể lại hoàn cảnh, số phận của mình.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã đánh giá và trao 01 giải nhất, 02 giải nhì và 02 giải ba cho 5 đội tham gia hùng biện.
Cuộc thi hùng biện thực sự có ý nghĩa đối với sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận hình thức truyền thông về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng qua điện ảnh ẩn dụ. Thông điệp truyền thông không chỉ có ở trong phim mà còn nằm ở sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và hành động của mỗi sinh viên, hành động vì sự bình đẳng giới và sự phát triển cộng đồng trong tương lai.