Hội thảo có 2 nội dung chính: Chia sẻ kết quả Nghiên cứu “Đánh giá nhu cầu và xác định những ưu tiên của cộng đồng đồng tính nữ tại 5 tỉnh phía Bắc” (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Lào Cai) và Xây dựng chiến lược phát triển cộng đồng đồng tính nữ tại địa bàn khảo sát.

 Trưởng nhóm nghiên cứu – ThS Lê Văn Sơn trình bày kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu “Đánh giá nhu cầu và xác định những ưu tiên của cộng đồng đồng tính nữ tại 5 tỉnh phía Bắc” được CSAGA thực hiện trong 6 tháng, kể tử tháng 1/2016. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng tại vùng dự án đối với người đồng tính nữ nói riêng và người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT). Nghiên cứu cũng nhận diện các rào cản, khó khăn của người đồng tính nữ và cộng đồng LGBT trong cuộc sống; đánh giá nhu cầu ưu tiên của người đồng tính nữ và tổ chức người đồng tính nữ tại vùng dự án. Nghiên cứu đưa ra gợi ý và đề xuất kiến nghị liên quan đến các hoạt động bảo vệ quyền của người đồng tính nữ nói riêng và LGBT nói chung. Nghiên cứu sử dụng phương pháp rà soát tài liệu (tài liệu dự án, các báo cáo, nghiên cứu hiện có về LGBT, các văn bản luật pháp chính sách và một số văn bản khác); phương pháp phỏng vấn sâu (50 cuộc) và phỏng vấn bảng hỏi (387 người). Các đối tượng cung cấp thông tin chính bao gồm người đồng tính nữ, đại diện nhóm/mạng lưới của đồng tính nữ và LGBT, người dân cộng đồng; đại diện chính quyền, bạn bè, đại diện cơ quan truyền thông; người đồng tính nam, song tính và chuyển giới.

Nghiên cứu đưa ra một số phát hiện chính quan trọng. Đa phần người dân có thái độ tích cực đối với người đồng tính nữ nói riêng và đồng tính nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ nhất định có thái độ tiêu cực, thể hiện bằng thái độ không chấp nhận một người đồng tính trong môi trường gia đình, công việc và quan hệ bạn bè. Có 14,7% người dân cho biết họ sẽ không chấp nhận làm việc với người đồng tính; 12,5% người dân sẽ chấm dứt mối quan hệ hoặc hạn chế tiếp xúc khi biết một người bạn là đồng tính. Trong gia đình, vẫn còn 13% cha mẹ không chấp nhận con cái là người đồng tính, 15,6% ngăn cấm và phản đối khi biết con gái là người đồng tính, 15,4% ngăn cấm và phản đối khi biết con trai là người đồng tính. Phân biệt đối xử với người đồng tính thể hiện không chỉ ở cử chỉ, lời nói mà còn thể hiện bằng những hành vi loại bỏ người LGBT khỏi các cơ hội vì bản dạng giới khác biệt của họ.

Nghiên cứu đã xác định được rằng, có 66,7% người đồng tính nữ cho biết có tình trạng học sinh sinh viên bị kỳ thị ở trường học, 63,6% cho biết bị kỳ thị nơi công cộng, 63,6% cho biết có tình trạng báo chí đưa tin giật gân hoặc hình ảnh sai lệch về LGBT. Mặc dù đồng tính nữ và LGBT là thực tế đa dạng của cuộc sống nhưng người đồng tính nữ nhận được rất ít chia sẻ từ cha mẹ, người thân. Người thân hạn chế chia sẻ ra bên ngoài vì mất thể diện. Im lặng hoặc tảng lờ là giải pháp chính người đồng tính lựa chọn trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Bạo lực với người đồng tính và LGBT nói chung thể hiện qua phản ứng từ phía gia đình (đay nghiến, nhiếc móc, chửi bới; ngăn cấm tiếp xúc, bạo lực về thể chất). Nhu cầu tham gia nhóm, câu lạc bộ, nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ, nhu cầu về môi trường thuận lợi để bộc lộ bản dạng giới của mình khá cao (tương ứng là 83,2%, 86% và 77,9%).

Từ kết quả nghiên cứu trên, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị. Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung, tuân thủ 2 nguyên tắc cơ bản là lồng ghép bình đẳng giới và tôn trọng sự đa dạng khi thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về LGBT. Thứ hai là giải pháp xây dựng chính sách phòng và chống phân biệt đối xử. Đề xuất lồng ghép các chủ đề chống phân biệt đối xử người đồng tính vào các văn bản luật hiện tại, vận động xây dựng Luật phòng chống phân biệt đối xử. Thứ ba, cần tạo môi trường thuận lợi để người đồng tính nữ và LGBT có thể bộc lộ bản dạng giới của mình với người khác. Thứ tư, chú trọng nâng cap năng lực cho người đồng tính nữ để họ tự tin, tự chủ trong cuộc sống góp phần giảm sự kỳ thị với cộng đồng cũng như giảm tự kỳ thị với chính mình. Thứ năm là các giải pháp củng cố hoạt động của các tổ chức, mạng lưới người đồng tính nữ thông qua xây dựng các nhóm nòng cốt, xác định mô hình phù hợp, liên kết với các nhóm/mạng lưới LGBT. 

Đại biểu tham gia Hội thảo tích cực trao đổi các vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, làm rõ hoặc bổ sung các giải pháp can thiệp để người đồng tính nữ và cộng đồng LGBT được quan tâm, bảo vệ, để quyền của họ được công nhận trong luật pháp, chính sách. Các bạn trẻ là người đồng tính, phụ huynh có con là đồng tính đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ quan điểm của mình. Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã chia nhóm thảo luận các vấn đề liên quan đến vận động chính sách, truyền thông, tổ chức mạng lưới, v.v.  

Đại diện nhóm Truyền thông trình bày kết quả thảo luận

Đây là cơ hội để các giảng viên Khoa Giới và Phát triển tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến bản giới, thực tế sinh động về giới trong cuộc sống, tìm hiểu thêm về các thuật ngữ quan trọng như bản dạng giới, Xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI), phân biệt đối xử kép, v.v. Kết quả nghiên cứu giúp giảng viên có thêm tư liệu cập nhật sinh động để liên hệ với các phần giảng phù hợp trong chương trình cử nhân Giới và Phát triển tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.